TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 3

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 3

Thứ tư, 08/03/2023

1. VƯỜN NAI (SARNATH) - NƠI ĐỨC PHẬT CHUYỂN PHÁP LUÂN


Vườn Nai hay Lộc Uyển tại Sarnath nằm trong khu vực Isipatana, hay Risipatana, là địa điểm lịch sử quan trọng đối với sự thành lập Tăng đoàn Phật giáo và tuyên thuyết bài pháp đầu tiên của đức Phật. Vườn Nai cách tháp Dammek khoảng 0.8km về phía bắc và cách tháp Chaukundi khoảng 1km về phía nam.

Ngày xưa, đây là khu rừng sinh thái rất đẹp, có nhiều giống nai quý hiếm. Ngày nay, chính phủ Ấn Độ phục dựng lại khu vườn Nai lịch sử này. Khách hành hương không ai không đến thăm và cho nai ăn bằng các thực phẩm thông dụng của chúng, được các em trai bán trong khu vực này.

Isipatana là địa danh gắn liền với các bậc hiền thánh (rishi). Trong thời Phật, vì không gian yên lắng, xanh tươi, đây là điểm tâm linh lý tưởng của các du sĩ tôn quý thuộc các tôn giáo khác, đồng thời cũng là đạo tràng quan trọng của Tăng sĩ Phật giáo. Tầm quan trọng của địa điểm này không phải do nó gắn liền với các vị cổ thánh, mà vì đây là thánh địa được đức Phật tuyên giảng bài kinh Đại Chuyển pháp luân và Kinh Vô ngã tướng hướng dẫn năm anh em Kiều-trần-như trở thành các bậc A-la-hán đầu tiên.

Mùa hạ đầu tiên sau khi thành đạo, đức Phật đã cư trú ở vườn Nai. Tại đây, Phật hóa độ thương gia Da-xá (Yasa), sau đó, tiếp tục hóa độ những người bạn của Yasa. Sự có mặt của 60 vị thánh đầu tiên này đã góp phần làm cho chánh pháp của Phật lan truyền rất nhanh trong thế giới tâm linh Ấn Độ lúc bấy giờ.

Isipatana còn là nơi năm trăm vị Độc giác Phật đã thiền quán, chứng đắc và nhập niết-bàn. Từ năm 1891, đại đức Anagarika Dharmapala, nhà cải cách Phật giáo ở Ấn Độ, đã nỗ lực phục hưng thánh địa này.

2. THÁP CHUYỂN PHÁP LUÂN (DHAMEK STUPA)


Dhamek còn viết là Dhameka, Dhamekh và Dhamekha trong tiếng Pali có nghĩa là Pháp Nguyện. Tên phổ biến của tháp là Dhamekha. Tháp Dhamek là công trình nổi bật nhất tại Sarnath, trải qua 6 lần trùng tu. Tháp hiện trạng do đại đế A-dục kiến dựng vào năm 234 TTL, đánh dấu sự truyền bá thông điệp trí tuệ của đức Phật tại vườn Nai. Khi viếng tháp này vào năm 640, ngài Huyền Trang ghi nhận rằng có khoảng 1.500 vị Tỳ-kheo tu học tại đây.

Tháp này có cấu trúc hình tròn trụ, cao 43.6m với đường kính ở nền tháp 28m, nửa bằng đá, nửa bằng gạch. Diện tích tháp được làm lớn vài lần đến thế kỷ XII thì giữ nguyên. Các nhà khảo cổ cho rằng tháp nguyên thủy có thể chỉ làm bằng gạch đỏ.

Về sau, tháp được lát đá vào ở mặt ngoài, thành 8 cánh sen đặc sắc, tạo thêm dáng vẻ uy nghiêm và sang trọng. Trên đỉnh tháp là bánh xe chánh pháp gồm có 24 căm xe.

Trong các Phật tích, tháp này có kiến trúc đặc thù và khác hẳn với tất cả tháp truyền thống khác. Phần giữa và phần dưới của tháp là các kiểu kiến trúc chạm trổ với các loại hoa văn đa dạng và đặc biệt hiếm thấy.

Cạnh hướng nam của tháp Dhameka là ngôi đền của Kỳ-na giáo và phía đông là chùa Mulgandhkuti mới.

Các đoàn hành hương thường dành thời gian chiêm bái tháp, tụng kinh, kinh hành, niệm Phật, thiền quán xung quanh tháp từ sáng sớm cho đến khi mặt trời lặn.

3. THÁP XÁ-LỢI PHẬT (DHARMARAJIKA STUPA)

Về hướng tây bắc của đường đi, du khách nhìn thấy một mô đất cao, với gạch lỏm chỏm, được các nhà khảo cổ xác định đó là vết tích của tháp Dharmajajika.

Tháp Dharmarajika được xây dựng lần đầu, ngay sau khi đức Phật nhập vô dư niết-bàn nhằm tôn thờ xá lợi của đức Phật. Tháp được trùng tu ít nhất 6 lần. Mỗi lần trung tu đều mở rộng và cao hơn. Tháp hiện trạng ngày nay được đại đế Asoka xây dựng vào triều đại Mauryan (304-232 TTL) bằng gạch đỏ, có đường kính 13.49m, cao khoảng 61m.

Tháp này có hình dạng nguyên thủy giống tháp Sanchi trong tháp có tôn trí xá lợi của đức Phật. Vào năm 1794, tháp đã bị ông Babu Jagat Singh, một vị bộ trưởng của vua xứ Ba-la-nại phá hủy để lấy gạch xây khu kiều dân mang tên ông Jagatganj.

Trong quá trình phá hủy tháp, ông phát hiện cái tráp đá trong đó có cái tráp cẩm thạch nhỏ hơn, chứa đựng “xá-lợi” và một số vàng ngọc. Theo phong tục Ấn Độ giáo, Babu Jagat Singh đã tro cốt xuống sông Hằng ở Varanasi, chỉ giữ lại các vật quý giá.

Tráp đá đựng xá lợi hiện đang được trưng bày trong viện bảo tàng Ấn Độ ở Kolkata. Tại khu kiều dân, ông Major Kittoe theo yêu cầu của nhà khảo cổ Cunningham đã tìm ra một ảnh Phật trong tư thế thuyết pháp, gần như hư nát.

Gần tháp, các nhà khảo cổ tìm thấy các tượng Phật trong thế vô úy, Bồ-tát Văn Thù, Quán Thế Âm và cái dù bằng đá chạm trổ, làm bằng sa thạch ở Chunar, hiện đang trưng bày trong viện bảo tàng Sarnath. Các kiến trúc điêu khắc chính được thực hiện tại Mathura rồi mang về Sarnath vào thế kỷ thứ I.

4. CHÍNH ĐIỆN VÀ QUẦN THỂ THÁP

Ngôi chùa chính hay chính điện cách phía bắc của tháp Dharmarajika khoảng 19m. Tường của chùa bằng đá, rất dày. Có nhiều phòng nhỏ ở ba mặt, nhưng tuyệt nhiên không có phòng ở hướng đông.

Các nhà khảo cổ cho rằng ngôi chùa được xây dựng và trùng tu qua nhiều triều đại. Các hoa văn trên cửa và nền cho thấy chúng được chạm khắc vào thế kỷ XI.

Các mảnh điêu khắc hoa sen, đầu sư tử và hoa văn có phong cách của triều đại Gupta. Tượng nữ thần Bình minh Varahi cũng được tìm thấy trong khu vực gần chùa chính.

Xung quanh chùa chính có hàng trăm tháp nhỏ nằm rải rác ở khu vực bắc-nam và tây, xuất hiện từ thế kỷ thứ IX. Có lẽ đây là nơi có nhiều tháp lớn nhỏ nhất so với các Phật tích và thắng cảnh Phật giáo tại Ấn Độ.

5. TRỤ ĐÁ VUA A-DỤC

Vào năm 1904, trụ đá A-dục không còn nguyên cấu trúc được nhà khảo cổ Oertell phát hiện tại phía tây của Chánh điện. Các phần gẫy và đỉnh của trụ đá được tìm thấy ở tường phía tây của chánh điện. Một số phần còn lại của trụ đá không tìm ra được dấu vết. Phần đỉnh trụ và bánh xe pháp luân của trụ đá được đánh bóng, hiện đang được trưng bày trong viện bảo tàng Sarnath.

Trụ đá A-dục được xây dựng, nhằm kỷ niệm ngày đại đế Asoka thăm viếng tăng đoàn. Hình ảnh sư tử bốn mặt ở đỉnh của trụ đá được sử dụng làm huy hiệu của nước cộng hòa Ấn-độ hiện tại. Sư tử tượng trưng cho vương triều bền vững của vua A-dục và sự tuyên bố giáo pháp của Phật.

Chiều cao toàn thể của trụ đá khoảng 15m. Đường kính của trụ đá khoảng 0,8m. Hiện nay các trụ đá gẫy khúc này được dựng âm xuống lòng đất khoảng 1m, nằm kế cận nhau và được bảo quản bằng một hàng rào sắt với mái che bằng xi-măng.

Trụ đá sa thạch này có ghi chỉ dụ của Vua A-dục bằng chữ Brahmi, gồm 11 hàng, hai hàng đầu bị mờ, các hàng còn lại rất rõ ràng, với nội dung khuyến khích hàng xuất gia tuân thủ giới luật, không nên phá hủy giới pháp dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời kêu gọi tinh thần hoà hợp tăng đoàn. Trên trụ đá còn có chỉ dụ thuộc thời kỳ Kusana của vua Asvaghosa. Một chỉ dụ khác được khắc vào thời kỳ Gupta.

6. TU VIỆN DHARMACAKRAJINA

Còn được gọi là tu viện Kumaradevi, hay Tu viện 1 theo các nhà khảo cổ, Tu viện này được hoàng hậu Kumaradevi của vua Kannauji xây dựng. Tường của tu viện được xây dựng bằng đá trạm trổ rất đẹp mắt. Ít nhất có hai cổng ra vào tu viện. Nhiều nền phòng lớn và nhỏ được phát hiện trong khu tăng xá. Tu viện có sân rộng và một giếng nước.

Có hai tượng nữ thần, có thể là tượng nữ thần sông Hằng và sông Yamuna, được tìm thấy ở cổng chính của tu viện. Ngoài ra còn có tượng của bồ-tát Quan Âm (Avalokitesvara), các tượng Bồ-tát đại thừa và các tượng Bà-la-môn như Tara, Marichi, Bhairava, Brahma, Siva và Visnu được phát hiện.

Ngoài ra còn có các tu viện được mặc định bằng các con số. Lấy tu viện Dharmacakrajina làm quy chiếu, thì tu viện số 2 nằm về hướng tây, Tu viện số 3 nằm về hướng đông, Tu viện số 4 nằm gần kề, Tu viện số 5 còn gọi là tu viện Kittoe (do ông có công phát hiện), Tu viện số 6 nằm gần tháp Dhameka, và Tu viện số 7 nằm về hướng tây.

7. THÁP CHAUKHANDI

Từ Varanasi đi về Sarnath khoảng 1km và cách ga xe lửa (Cantt Railway Station) khoảng 8km, du khách nhìn thấy một trụ bát giác trên đồi gạch đỏ nằm bên trái của đường cái. Đó là tháp Chaukhandi, cao khoảng 24m, được xây dựng khoảng thế kỷ III-IV.

Tháp này đánh dấu địa điểm lịch sử, nơi đức Phật đi bộ khoảng 250 km từ Bồ-đề Đạo tràng đến gặp lại năm anh em Kiều-trần-như sau khi thành đạo, mở ra con đường độ sinh, giải phóng khổ đau của đức Phật.

Trong tháp chỉ thờ một phần cái bát của đức Phật. Không hề có xá-lợi, tượng Phật và Bồ-tát được phát hiện. Điều này cho thấy đây chỉ là tháp vọng.

Tháp này không chỉ là một phần quan trọng của thánh địa đối với Phật giáo, mà còn được xem là nơi thiêng liêng của Ấn giáo và Hồi giáo.

Đối với người Ấn giáo, tháp này còn có tên là tháp Sita Rasoiya, có nghĩa đen là tháp Nhà bếp của thần Sita. Người Ấn giáo tin rằng, trong lưu đày, nữ thần Sita đã nấu bếp tại đây để phục vụ thần Ram.

Đối với người Hồi giáo, cấu trúc bát giác ở đỉnh tháp là do Đại đế Akbar của triều đại Mughal xây dựng để tưởng niệm cái đêm ông ngủ với cha là Humayun vào năm 1588, như bia ký bằng chữ Á-rập ghi lại điều này trên một phiến đá tại đây.

Dọc xung quanh tháp là lối đi được bao bọc bởi cỏ và các hàng cây xanh. Cổng chính của tháp thường đóng. Du khách phải đi cổng phụ. Muốn được chụp hình và quay phim tại đây, du khách phải mua vé trước, bằng không sẽ có thể bị người giữ cổng hỏi thủ tục “đầu tiên”.

8. CHÙA HƯƠNG (MULAGANDHA KUTY VIHARA)

Trong các Phật tích Ấn Độ, có hai chùa Hương. Chùa Hương được biết đến nhiều nhất do cư sĩ Cấp Cô Độc xây dựng tại Tịnh xá Kỳ Viên, thuộc thành phố Xá-vệ. Chùa Hương thứ hai là chùa tại địa điểm lịch sử quan trọng nhất, nơi đức Phật chuyển pháp luân.

Chùa Hương nguyên thủy chỉ còn là nền phế tích trong khu vườn Nai, được xây dựng trong triều đại Gupta, có lẽ trên nền của hương thất của đức Phật ngày trước. Chùa Hương được bao quanh bởi rất nhiều tháp lớn nhỏ, đa dạng. Đầu thế kỷ XII, hoàng hậu Kumaradevi, vợ của vua Govinda Candra (1114-51) có công trùng tu chùa Hương.

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ, đại đức Dharmapala người Tích Lan là người có công trùng tu chùa Mulagandha Kuty, tạo sự chú ý của thế giới về di tích văn hóa Phật giáo đã có thời bị bỏ quên hàng thế kỷ.

Ngôi chùa Hương mới được khánh thành vào 11-11-1931 với sự tham dự của hơn 900 nhân vật Phật giáo thế giới, lãnh đạo cao nhất của chính phủ Ấn Độ và Phật giáo. Chùa được xây dựng theo kiến trúc Ấn Độ và Tích Lan, đánh dấu sự phục hưng của Phật giáo ở Sarnath. Ông Willingdong, Vicerory và Toàn quyền Ấn Độ của đế chế Anh quốc thời đó đã dâng cúng xá-lợi Phật cho Hội Đại giác ngộ Ấn Độ và đại đức Dharmapala tôn thờ tại ngôi chùa Hương mới này. Bên trong chùa, các vách tường chùa Hương là các bức tranh về cuộc đời của đức Phật, do họa sĩ nổi tiếng Nhật Bản là ông Kose-tsu-Nosu thực hiện.

Ngôi chùa Hương này có vinh dự đón tiếp hàng trăm lãnh đạo quốc gia và các nhân vật quốc tế, trong đó, có nữ hoàng Elizabeth II, Mahatma Gandhi, toàn quyền và tổng thống Tích Lan đầu tiên – Willian Gopallava, các tổng thống Ấn Độ như Radhakrishnan, Zail Singh, các thủ tướng Ấn Độ như Nehru, Indira Gandhi, Shastri, thủ tướng Miến Điện U Nu và đức Dalai Lama cũng như tăng thống Phật giáo ở các nước.

9. HỘI ĐẠI GIÁC NGỘ (MAHABODHI SOCIETY)

Đây là hiệp hội Phật giáo đầu tiên trên thế giới, được thành lập nhằm phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đồng thời góp phần truyền bá Phật giáo khắp thế giới.

Hội được đại đức Pháp Hộ (Angarika Dharmapala) thành lập vào 31-5-1891 tại Colombo, trong giai đoạn Tích Lan và Ấn Độ dưới quyền cai trị của Anh. Trụ sở chính và phụ của Hội có một tu viện và trường Phật học cộng đồng. Thành viên của Hội bao gồm đại diện các nước Phật giáo như Ấn Độ, Tích Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Miến Điện, Nepal, Tây Tạng và Bangladesh.

Sự có mặt của Hội Đại giác ngộ và các hoạt động của nó đóng góp khá đáng kể trong phong trào chấn hưng Phật giáo Ấn Độ nói riêng và góp phần ảnh hưởng tích cực cho phong trào chấn hưng Phật giáo toàn cầu.

10. VIỆN BẢO TÀNG SARNATH

Nhờ đề xướng của ông John Marshall, lúc đó là Tổng giám đốc của Tổng cục khảo cổ Ấn Độ, Viện bảo tàng Sarnath được xây dựng năm 1904 theo bảng vẽ kiến trúc của ông James Ramson và khánh thành năm 1910.

Là bảo tàng khảo cổ lâu đời nhất tại Ấn Độ, Viện bảo tàng khảo cổ Sarnath có hình thù của nửa tu viện (Sangharam), hiện đang lưu giữ 6.832 hiện vật và phù điêu Phật giáo, bao gồm Phật và Bồ-tát, được xem là những kiệt tác nghệ thuật của Phật giáo được khai quật tại vườn Nai (Mrigadava).

Viện bảo tàng Sarnath có 5 bộ sưu tập (galleries) được trưng bày trong 2 dãy nhà, với nhiều hiện vật thuộc các triều đại Mauryan, Kusana và Gupta từ thế kỷ 3 TTL đến thế kỷ 12 sau TL. Khu vực chính giữa và dãy bên trái (từ ngoài nhìn vào) trưng bày các hiện vật Phật giáo, đang khi dãy bên trái trưng bày các hiện vật Ấn Độ giáo.

Bên cạnh các tượng Phật trong tư thế chuyển pháp luân và tư thế vô úy, nổi bật nhất trong Viện bảo tàng Sarnath là huy hiệu sư tử của đại đế Asoka (Lion Capital of Ashoka) bằng đá hoa cương và tượng đức Phật ngồi trong ấn tướng chuyển pháp luân. Từ năm 1949, khi độc lập khỏi đế quốc Anh, nước Ấn Độ đã chọn huy hiệu sư tử này là huy hiệu nước Ấn Độ.

11. SÔNG HẰNG - DÒNG SÔNG LINH THIÊNG NHẤT ẤN ĐỘ

Giới thiệu chung:

Đây là con sông được mệnh danh là linh thiêng nhất của đất nước Ấn Độ. Sông Hằng dài 2.510 km bắt nguồn từ dãy Himalaya của Bắc Trung Bộ, chảy theo hướng Đông Nam qua Bangladesh và chảy vào vịnh Bengal.

Tên của sông Hằng được đặt theo tên vị nữ thần Hindu Ganga. Lưu vực của sông rộng 907.000 km², một trong những khu vực màu mỡ và có mật độ dân số lớn nhất thế giới. Ở Ấn Độ, sông Hằng không chỉ là một con sông. Đó còn là đại diện của tôn giáo, công nghiệp, nông nghiệp và chính trị.

Đối với những người theo đạo Hindu, sông Hằng được biết đến với cái tên “Ganga Ma” - có nghĩa là Mẹ Hằng. Nó là trung tâm của đời sống tinh thần của hơn một tỷ người. Hàng năm, hàng triệu người hành hương theo đạo Hindu đến thăm các ngôi đền và các thánh địa khác dọc theo sông Hằng.

Con sông còn có vai trò quan trọng về lịch sử với nhiều thủ đô, thủ phủ của các đế quốc trước đây (như Pataliputra,Kannauj, Kara, Kashi, Allahabad, Murshidabad, Munger, Baharampur, Kampilya, và Kolkata) nằm dọc theo bờ sông này.

indianfoods_thuc_pham_an_do_mota_song hang dong song linh thieng nhat cua nguoi an do 01

Truyền thuyết sông Hằng

Được miêu tả trong Mahabharata là dòng sông sinh ra từ tất cả các vùng nước thiêng', sông Hằng được nhân cách hóa thành nữ thần Ganga. Mẹ của Ganga là Mena và cha cô là Himavat, hiện thân của dãy núi Himalaya. Trong một câu chuyện thần thoại, Ganga kết hôn với Vua Sanatanu nhưng mối quan hệ đi đến kết thúc tan vỡ khi nữ thần bị phát hiện đã dìm chết con mình.

Sông Hằng thường xuất hiện trong thần thoại Ấn Độ giáo như một điểm nhấn, chẳng hạn như nơi mà các nhân vật nổi tiếng Atri và Thần chết đã thực hiện các hành động khổ hạnh khác nhau.

Sự quan trọng của sông Hằng đối với tôn giáo

Những người dân tộc Hindu xem sông Hằng là một dòng sông thiêng. Theo tín ngưỡng Hindu, tắm trên sông Hằng sẽ giúp gột rửa mọi tội lỗi còn nước sông được sử dụng rộng rãi trong các nghi lễ thờ cúng. Uống nước sông Hằng trước khi chết là một điềm lành và nhiều người Hindu đã yêu cầu được hỏa thiêu dọc hai bên sông Hằng và lấy tro thiêu của họ rải lên dòng sông. Ở đây các lò thiêu hầu như hoạt động quanh năm, không ngừng nghỉ lúc nào

Những người hành hương Hindu thường đến các thành phố thánh Varanasi, nơi các nghi lễ tôn giáo thường được cử hành. Mỗi 12 năm, một lễ hội lại được tổ chức ở Haridwar và Allahabad để tắm trong sông Hằng. Những người hành hương cũng đến các địa điểm linh thiêng khác gần các thượng nguồn sông Hằng, bao gồm đền thờ dưới núi băng Gangotri.

indianfoods_thuc_pham_an_do_mota_song hang dong song linh thieng nhat cua nguoi an do 02

Ý nghĩa của việc tắm sông Hằng

Người theo đạo Hindu tin rằng tội lỗi tích tụ trong cuộc sống quá khứ và hiện tại sẽ tái diễn từ kiếp này sang kiếp khác cho đến khi được tẩy sạch hoàn toàn. Chính vì thế họ cho rằng tắm ở sông Hằng vào ngày tốt lành nhất của lễ hội sẽ giúp xóa bỏ mọi tội lỗi, đồng thời rửa sạch nghiệp chướng và mang lại may mắn. Sự kiện, với sự tham gia của từ 70 đến 100 triệu người, ngày càng lớn hơn và có thể được coi là cuộc tụ họp nhân loại lớn nhất trong lịch sử. Nước từ sông Hằng cũng được các tín đồ thu gom và mang về nhà để sử dụng trong các nghi lễ và cúng bái.

Bài viết liên quan

Ba quy luật bất biến của vũ trụ

Đời sống tâm linh là một phần không thể thiếu bên cạnh đời sống vật lý của con người. Tâm linh là sợi dây liên kết kỳ diệu giữa đời sống tinh thần của con người với các thứ siêu hình trong thế giới này. Cùng với sức khỏe, tâm linh là yếu tố không thể thiếu của bánh xe cuộc đời, tâm linh sẽ hướng dẫn, soi đường chỉ lối trong mỗi giai đoạn phát triển của con người.

Có tiền mua tiên cũng được?

Điều kỳ lạ là, ai cũng hiểu và biết rằng, tiền tài không phải lúc nào cũng mua được hạnh phúc nhưng vì tâm ý chúng ta đã bị nhồi nhét đặc cứng bởi cái văn hóa được quảng cáo khắp nơi rằng “có tiền mua tiên cũng được” nên chúng ta tin rằng đó là sự thật! Tuy nhiên, nghèo khổ quá cũng không phải là một điều tốt. Một đời sống quá thiếu thốn là một đời sống khổ đau. Ngày ngày phải đôn đáo đó đây để kiếm miếng cơm, manh áo mà chẳng được bao nhiêu thì thật là khổ nhọc. Đôi lúc, vì quá nghèo nhiều người bán luôn cả lương tâm đổi lấy đồng tiền dơ bẩn!

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến

Câu nói này có lẽ bạn đã được nghe ở đâu đó, nhưng bạn chưa biết được nguồn gốc của câu nói này và hàm ý của tác giả muốn nhắn gửi tới chúng ta. Trước tiên hãy cùng xem bài thơ dưới đây.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 1

Tứ động tâm gồm: Lâm Tỳ Ni thuộc Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) thuộc Ma Kiệt Đà (Magadha), Lộc Uyển nơi chuyển pháp luân xứ Ba La Nại (Benares), và Câu Thi Na (Kushinagar) thuộc cộng hòa Malla (bang Bihar ngày nay), nơi đức Phật nhập Vô Dư Niết Bàn. Bốn thánh tích trọng đại này được cô đọng trong bốn câu rất dễ nhớ: “Đản sanh Ca Tỳ La Thành đạo Ma Kiệt Đà Thuyết pháp Ba La Nại Niết Bàn Câu Thi Na”.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 2

Bồ Đề Đạo Tràng - Ấn Độ (Bodh Gaya hay Bodhgaya) ở quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Nơi đây được gọi là đất Phật, vì ở đây là nơi đức Phật Thích Ca đã giác ngộ hơn 2.500 năm trước, là điểm hành hương mà các phật tử khắp nơi trên thế giới luôn ao ước được đến chiêm bái một lần trong đời.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 4

Nơi đức Phật nhập Niết Bàn và yên nghĩ, đó chính là thánh tích Kushinagar cũng chính vì thế nơi đây đã trở thành một trong bốn thánh tích linh thiên nhất của Phật giáo (Lumbini, Bodhgaya, Sarnath và Kushinagar). Khi hành hương, chiêm bái bốn thánh tích (Tứ động tâm) trên miền đất Phật linh thiên này, có lẽ Kushinagar là một trong thánh tích đã đọng lại trong lòng người hành hương là những ấn tượng sâu lắng và khó quên nhất. Nếu như Lumbini (Lâm-tỳ-ni), là nơi nhơn thiên và muôn vật hoan ca chào đón sự đản sanh của đấng Từ phụ, thì Kushinagar (Câu-thi-na) là nơi có rất nhiều tín đồ, người đến hành hương và muôn vạn vật đều rơi lệ u buồn, tiễn biệt đấng Thiên nhơn sư. Nếu Bodhgaya (Bồ-đề-đạo-tràng) là đạo tràng thiêng liêng, nơi bừng tỏa ánh sáng giác ngộ của đức Phật Thích Ca, thì Kushinagar là nơi ánh sáng đạo huy hoàng của Ngài đã tắt lịm. Nếu Sarnath (vườn Lộc Uyển) là thánh tích thiêng liêng, nơi khơi nguồn của dòng pháp giải thoát, thì Kushinagar là nơi khô cạn chấm dứt suối nguồn và là nơi giải thoát đang tuôn chảy từ kim khẩu của bậc Đạo sư. Bởi vậy, những tín đồ của Phật như chúng ta, mấy ai tránh khỏi cảm giác xúc động, u buồn khi chiêm bái, đảnh lễ thánh tích này.

Zalo
Hotline
0903 666 882