TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 1

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 1

Thứ ba, 07/03/2023

 1. Vườn Ngự Uyển Lâm Tì Ni - Nơi Đức Phật đản sanh

Lâm Tỳ Ni, phạn ngữ là Lumbini, xưa kia là khu vườn xinh đẹp của kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Hiện nay vị trí khu vườn này nằm trên phần đất của Nepal, tiếp giáp biên giới, chỉ cách Ấn Độ khoảng 30 Km. Lâm Tỳ Ni , nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, các sách thường ghi cách thành Ca Tỳ La Vệ cũ khoảng 15 km, rất có thể là đường chim bay, trên thực tế phải đi vòng bằng đường lộ nhựa khoảng 40km.

Chuyện kể rằng theo phong tục Ấn Độ, người con gái sắp đến ngày sinh nở phải trở về quê mẹ, hoàng hậu Ma Da cũng không ngoại lệ. Trên đoạn đường về quê, khi ngang qua khu vườn Lâm Tỳ Ni, bà cảm thấy tâm trạng thư thái nhẹ nhàng, niềm vui lâng lâng khó tả giữa những tiếng chim đủ loại reo hót trên các cành cây như đón chào bà, một thánh mẫu đang mang thánh thai. Ánh bình minh tỏ rạng, những tia nắng hồng ban mai xuyên qua các cành cây cổ thụ để lại những vệt sáng dài trên cỏ, làm long lanh những giọt sương dường như còn đang say ngủ trong buổi sáng êm ả đẹp trời.

Trong lúc đang say sưa ngắm nhìn cảnh vật quanh khu vườn, giữa bao kì hoa dị thảo, bỗng nhiên bà cảm thấy nhiệm vụ thiêng liêng của người mẹ bắt đầu xảy ra và phải xảy ra tại nơi này. Bà liền với tay nắm cành cây vô ưu để vững vàng trong giây phút chuyển dạ đột ngột. Bà liền cho thị nữ căng màng, trải một nơi nằm tạm thời cho giờ phút thiêng liêng, sự chờ đợi nức lòng của cả chư thiên và loài người, hay đúng hơn chính là sự mong mỏi của vua Tịnh Phạn và toàn dân kinh thành Ca Tỳ La Vệ.

Bà hạ sinh một hoàng nam khôi ngô tuấn tú, một đấng trượng phu xuất cách được biểu hiện ngay từ lúc sơ sinh. Tương truyền rằng, khi sinh thái tử, lúc đó trái đất rung chuyển bảy lần, nhạc trời rềnh vang cả hư không, muôn chim bay lượn khắp trời, cây cối trong vườn xinh tươi hẳn lên và đức Bồ Tát hạ sinh từ hông phải của mẹ, bước đi bảy bước, mỗi bước đều có hoa sen đỡ chân. Ngài dõng dạt tuyên ngôn: “Thiên Thượng Thiên Hạ, Duy Ngã Độc Tôn, Vô Lượng Sinh Tử, Ư Kim Tận Hỷ”- Trên trời dưới trời, sự giác ngộ là trên hết. Mọi trói cột của sanh tử, đời này đoạn diệt hết.

Sau đó, đoàn tùy tùng đưa bà hồi kinh, trước sự đón rước mừng vui, reo hò của thần dân trong kinh thành. Và người vui mừng tột độ không ai khác hơn là vua Tịnh Phạn, một người đã ngày đêm khẩn cầu để có được hoàng nam xứng đáng kế thừa vương vị. Lúc ấy vào ngày trăng tròn tháng Vesak Ấn Độ, tương đương rằm tháng tư âm lịch, năm 623 (hoặc 624) trước kỷ nguyên Tây lịch.

Hiện nay, tại vườn Lâm Tỳ Ni vị trí quan trọng nhất đang được xây kín lại để chống xói mòn và hư hoại. Bên trong là những nền gạch cũ mục, một vài chỗ phải được chống đỡ để khỏi bị sụp đổ. Những vết tích cổ xưa như dấu chân vẫn còn in trên đá, được xác định là vị trí lúc Đức Phật đản sinh.

Trên bờ tường gạch kề bên dấu chân Phật, cách mặt đất khoảng 3m có một bức phù điêu rất xinh đẹp khắc hình hoàng hậu Ma Da trong tư thế đứng đang đưa tay vịnh cành cây vô ưu, phía trước có hình thái tử đản sinh và xung quanh có những thị nữ đang đứng hầu.

Quang cảnh xung quanh Lâm Tỳ Ni ít nhiều cũng có bàn tay chăm sóc của con người. Bên cạnh nền gạch cũ còn sót lại, một vài cây xanh vươn mình che bóng mát khiêm tốn trong khoảng trống giới hạn; vài khóm hoa cùng đua sắc màu trong bầu trời xuân tươi đẹp. Bao nhiêu đó cũng làm cho khu thánh địa Lâm Tỳ Ni gợi lên được sức sống tiềm ẩn, cố chờ đợi sự huy hoàng sẽ được lập lại tại khu thánh địa này, nơi đánh dấu sự ra đời của bậc vĩ nhân.

Bài viết liên quan

Ba quy luật bất biến của vũ trụ

Đời sống tâm linh là một phần không thể thiếu bên cạnh đời sống vật lý của con người. Tâm linh là sợi dây liên kết kỳ diệu giữa đời sống tinh thần của con người với các thứ siêu hình trong thế giới này. Cùng với sức khỏe, tâm linh là yếu tố không thể thiếu của bánh xe cuộc đời, tâm linh sẽ hướng dẫn, soi đường chỉ lối trong mỗi giai đoạn phát triển của con người.

Có tiền mua tiên cũng được?

Điều kỳ lạ là, ai cũng hiểu và biết rằng, tiền tài không phải lúc nào cũng mua được hạnh phúc nhưng vì tâm ý chúng ta đã bị nhồi nhét đặc cứng bởi cái văn hóa được quảng cáo khắp nơi rằng “có tiền mua tiên cũng được” nên chúng ta tin rằng đó là sự thật! Tuy nhiên, nghèo khổ quá cũng không phải là một điều tốt. Một đời sống quá thiếu thốn là một đời sống khổ đau. Ngày ngày phải đôn đáo đó đây để kiếm miếng cơm, manh áo mà chẳng được bao nhiêu thì thật là khổ nhọc. Đôi lúc, vì quá nghèo nhiều người bán luôn cả lương tâm đổi lấy đồng tiền dơ bẩn!

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến

Câu nói này có lẽ bạn đã được nghe ở đâu đó, nhưng bạn chưa biết được nguồn gốc của câu nói này và hàm ý của tác giả muốn nhắn gửi tới chúng ta. Trước tiên hãy cùng xem bài thơ dưới đây.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 2

Bồ Đề Đạo Tràng - Ấn Độ (Bodh Gaya hay Bodhgaya) ở quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Nơi đây được gọi là đất Phật, vì ở đây là nơi đức Phật Thích Ca đã giác ngộ hơn 2.500 năm trước, là điểm hành hương mà các phật tử khắp nơi trên thế giới luôn ao ước được đến chiêm bái một lần trong đời.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 3

Varanasi hay Baranasi được phiên âm là Ba-la-nại là kinh đô của nước Kasi cổ đại. Tiếp giáp với sông nhánh của sông Hằng là Varna và Asi, khoảng 12km phía dưới Allahabad về bờ bắc sông Hằng, Ba-la-nại là một trong sáu kinh đô có ảnh hưởng nhất thời Phật. Các kinh đô còn lại là Campa, Rajagaha (Vương Xá), Savatthi (Xá Vệ), Saketa và Kosambi (Kiều Tát La). Ba-la-nại (Sarnath) không chỉ là một trong những trung tâm Phật giáo nổi tiếng tại Ấn-độ, cách thành phố Varanasi khoảng 10 km thuộc bang Uttar Pradesh, mà còn là trung tâm hành hương của Ấn-độ giáo và các sinh hoạt tín ngưỡng gắn liền với sông Hằng huyền bí. Ba-la-nại là trung tâm thương mại và công nghệ quan trọng thời cổ, bằng đường bộ lẫn đường sông. Ba-la-nại nổi tiếng với các loại lụa sang trọng, vải vóc đặc biệt, tranh thêu và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Các trung tâm giáo dục của Ba-la-nại đã thu hút các hoàng tử và giới Bà-la-môn không thua kém gì trung tâm Takkasila nổi tiếng thời bấy giờ. Sau khi chứng đạo tại Bồ-đề Đạo tràng, đức Phật đến Vườn Nai tuyên thuyết bài pháp đầu tiên nhóm năm đạo sĩ khổ hạnh Kiều-trần-như, vận chuyển bánh xe chánh pháp mầu nhiệm (Maha-Dharmachakra pravartan). Giáo pháp này được gọi là con đường trung đạo, xa lánh hai cực đoan khổ hạnh ép xác và hưởng thụ khoái lạc.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 4

Nơi đức Phật nhập Niết Bàn và yên nghĩ, đó chính là thánh tích Kushinagar cũng chính vì thế nơi đây đã trở thành một trong bốn thánh tích linh thiên nhất của Phật giáo (Lumbini, Bodhgaya, Sarnath và Kushinagar). Khi hành hương, chiêm bái bốn thánh tích (Tứ động tâm) trên miền đất Phật linh thiên này, có lẽ Kushinagar là một trong thánh tích đã đọng lại trong lòng người hành hương là những ấn tượng sâu lắng và khó quên nhất. Nếu như Lumbini (Lâm-tỳ-ni), là nơi nhơn thiên và muôn vật hoan ca chào đón sự đản sanh của đấng Từ phụ, thì Kushinagar (Câu-thi-na) là nơi có rất nhiều tín đồ, người đến hành hương và muôn vạn vật đều rơi lệ u buồn, tiễn biệt đấng Thiên nhơn sư. Nếu Bodhgaya (Bồ-đề-đạo-tràng) là đạo tràng thiêng liêng, nơi bừng tỏa ánh sáng giác ngộ của đức Phật Thích Ca, thì Kushinagar là nơi ánh sáng đạo huy hoàng của Ngài đã tắt lịm. Nếu Sarnath (vườn Lộc Uyển) là thánh tích thiêng liêng, nơi khơi nguồn của dòng pháp giải thoát, thì Kushinagar là nơi khô cạn chấm dứt suối nguồn và là nơi giải thoát đang tuôn chảy từ kim khẩu của bậc Đạo sư. Bởi vậy, những tín đồ của Phật như chúng ta, mấy ai tránh khỏi cảm giác xúc động, u buồn khi chiêm bái, đảnh lễ thánh tích này.

Zalo
Hotline
0903 666 882