Có tiền mua tiên cũng được?

Có tiền mua tiên cũng được?

Thứ năm, 23/06/2022

Như bạn thấy đó, tự thân đồng tiền không có gì sai quấy cả! Cũng như không có gì sai khi mình có nhiều tài sản, hay làm ăn từ sáng đến chiều. Chúng ta, ai cũng phải ăn, phải sống, và có các nhu cầu của cuộc sống. Điều đáng nói ở đây là khi chúng ta đặt đồng tiền và vật chất lên trên hết thì chúng ta sẽ quên mất mục tiêu quan trọng nhất của đời mình. Vì vậy, mình phải dọn dẹp sạch bớt những thứ bừa bộn, cản trở khiến mình bị tắc nghẽn trên đường hướng đến mục đích quan trọng của đời mình như: sức khỏe, tình thân gia đình, đóng góp phần mình cho một cộng đồng lành mạnh, an vui…

Tiền tài có thể giúp chúng ta nâng cao những lãnh vực quan trọng trên. Nhưng, hầu bao kếch xù của bạn không quan trọng bằng một khi bạn đặt niềm tin vào cái gì là ưu tiên hàng đầu trong đời sống bạn.

Bạn cảm thấy ra sao khi không còn phải lo lắng về tiền bạc. Ở đây tôi không có ý muốn nói là mình nhiều tiền quá nên không còn phải lo lắng về chúng. Đa số chúng ta ai cũng nói rằng khi tôi giàu tôi sẽ sống khác. Tôi sẽ biết bố thí, thương người, và làm thêm nhiều điều phước thiện, không giống như những kẻ giàu sang khác, chỉ biết sống cho riêng mình. Hiện tại, tôi chỉ cần làm việc cần cù chăm chỉ khoảng vài năm nữa, và sớm muộn gì tôi cũng sẽ thành công, tiền vô như nước! Nếu chúng ta ai cũng đợi giàu rồi mới bố thí, làm phước thì thế giới này đã lụn bại mất rồi! Theo thống kê của Chính phủ Mỹ năm 2011, những người giàu nhất trên đỉnh 20% dân số thế giới, bố thí trung bình khoảng 1,3% của tổng số thu nhập của họ. Trong khi những người nghèo nhất ở đáy 20%, bố thí khoảng 3,2% tổng số lợi tức của họ, gần gấp đôi số tiền người giàu nhất bố thí.

Tại sao người giàu lại bố thí ít hơn người nghèo? Nhiều nghiên cứu cho thấy đa số người giàu sống trong những nơi sang trọng, cách xa những người cùng khổ nên sự đồng cảm không có nhiều. Ngược lại, người nghèo thường sống trong những môi trường gần gũi với những người cùng khổ nên họ rất dễ cảm thông, và hay bố thí, giúp đỡ. Một nghiên cứu khác cho thấy, nếu người giàu mà sống trong địa phương gần gũi với người nghèo khổ thì họ cũng bố thí không thua gì những người nghèo!

Làm giàu có gì sai trái hay không? Tất nhiên, làm giàu bằng những phương tiện bất chính là sai. Phần nhiều chúng ta nghĩ rằng làm giàu là sai vì mình nghe quý thầy, cô hay trong các kinh sách dạy rằng “tham dục là nguồn gốc của khổ đau”. Hễ còn tham lam, còn dính mắc đến tiền tài, vật chất là còn đau khổ. Do vậy mà đôi lúc chúng ta ‘sợ’ làm giàu.  Hơn nữa, có vị cho rằng giàu có quá sinh khó tu vì tu hành là phải biết ‘khổ hạnh’ chút đỉnh. Đằng này, giàu có quá nên tu khổ hạnh một chút là đã than thở bỏ cuộc dễ dàng!

Đức Phật không cho rằng làm giàu là một chuyện xấu. Trong toàn bộ các Kinh tạng, không thấy Đức Phật chê trách sự giàu có. Ngược lại, bạn sẽ tìm thấy trong một số kinh Phật nói về sự giàu có, nhiều tài sản do nhờ bố thí. Như trong kinh Trung bộ (Tiểu kinh nghiệp phân biệt, kinh số 135, HT.Thích Minh Châu dịch), Đức Phật dạy rằng:  “Này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông có bố thí cho Sa-môn hay cho Bà-la-môn các đồ ăn uống, tọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy, thí chủ ấy có nhiều tài sản”.  Hơn nữa, chúng ta cũng thấy nhiều vị cư sĩ, Phật tử bố thí cúng dường để cầu phước báo được giàu sang. Nếu Phật cho việc làm giàu là sai, tại sao Ngài lại khuyến khích cúng dường, bố thí để được sung sướng, giàu có? (như đã dẫn kinh ở trên).

Tuy nhiên, Phật dạy về sự giàu sang vật chất không giống như những khái niệm về khái niệm trong thời đại bây giờ. Theo Phật giáo, con người không nên bỏ hết thời gian cuộc đời của mình để tìm kiếm sự giàu sang về mặt vật chất. Làm giàu về mặt vật chất phải hài hòa với việc phát triển tâm linh và đạo đức. Vì nếu vật chất và tinh thần được phát triển đồng đều thì hạnh phúc lâu dài sẽ phát sinh.  Như chúng ta thấy có những người giàu có nhưng không biết tu tập cho tâm linh, trau dồi đức hạnh, tối ngày chỉ lo kiếm tiền bạc, tiện nghi vật chất cho đời sống, họ đạp đổ lên tất cả những giá trị đạo đức, họ lường gạt, biển thủ, bất lương, dùng mọi thủ đoạn để làm giàu. Nhưng thật sự là mình hy sinh tất cả để tích chứa tiền của, vật chất như vậy có mang lại cho mình bình an, gia đình hạnh phúc thật sự hay không? 

Theo lời Phật dạy: Tri túc (biết đủ) mới là sự giàu có thật sự chứ không phải nhiều tài sản. Tài sản cá nhân không phải dùng để đo lường sự giàu có của một người. Vấn đề là ở chỗ chúng ta sống trong một xã hội vật chất nên người nào nhiều vật chất thì được cho là giàu sang. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng: Cứ mỗi khi hoàn cảnh thay đổi thì mình lại gặp những thử thách, phiền não mới. Chẳng hạn khi còn nghèo, mình phải lo toan, xoay xở đủ chuyện để có đủ miếng cơm, manh áo. Nhưng khi giàu có rồi, thì cái lo toan, xoay xở lại xoay quanh vấn đề đừng để bị nghèo trở lại, có nghĩa là phải làm giàu thêm nữa! Và phải lo lắng cho sự an toàn của tài sản và gia đình. Cũng vậy, khi chưa có việc làm, mình âu lo chạy khắp nơi nộp hồ sơ, điền đơn, mỏi cổ chờ gọi đi phỏng vấn. Nhưng khi có việc làm rồi, thì lại phải đương đầu với việc đi làm đúng giờ, công việc ở sở nhiều ít, ông chủ có dễ tính, hay các người làm chung có dễ chịu v.v…  Nhìn chung, hoàn cảnh nào có nỗi khổ đó. Nếu mình biết chấp nhận, tri túc dù bất cứ ở hoàn cảnh nào thì an lạc, hạnh phúc sẽ xuất hiện.

Có một câu chuyện cho các cháu thiếu nhi dạy về cách sống biết đủ như sau: Có năm cháu bé được mời chơi trò ao ước, coi ai là người ao ước hay nhất. Bé thứ nhất ước rằng cháu sẽ có kem ăn dài dài, không hết. Cháu thứ hai thấy vậy, nhưng thực tế hơn, ước rằng cháu có một nhà máy sản xuất kem, nên không những ăn không hết mà còn cho người khác ăn nữa! Cháu thứ ba, suy nghĩ giây lát, rồi ước cháu có một nhà máy sản xuất kem, và thêm 50 triệu đô-la. Cháu thứ tư ước lớn lên rằng cháu không ước có nhà máy kem mà ước có 100 triệu để mua kem ăn thả giàn và còn thêm một lời ước nữa, nên tiền ăn kem sẽ không bao giờ hết. Cháu thứ năm chậm rãi chỉ ước rằng cháu được sống thỏa mãn đến độ không còn thèm ăn kem nữa! Như Trang Tử có nói: “Người tri túc không vì lợi mà hại thân”. Đúng vậy, khi mình biết đủ thì tham dục, cám dỗ sẽ không còn sức mạnh xúi giục mình chạy theo những nhu cầu mà mình tưởng sẽ mang đến hạnh phúc thật sự.

Tóm lại, ý niệm “có tiền mua tiên cũng được” cần phải được xét lại qua giá trị của “nàng tiên” mà mình muốn mua. Mỗi người có một ao ước khác nhau. Người nghèo hèn có thể sẽ định nghĩa hạnh phúc mà họ ao ước khác hơn là người trung lưu, có chút đỉnh tiền của. Như vậy, hạnh phúc thật sự không phải là thỏa mãn những nhu cầu vật chất bên ngoài, mà là sự mãn nguyện trong tâm, không còn cảm thấy mình thiếu thốn nữa! Tiền tài có thể là một phương tiện tốt để chúng ta tái tạo hạnh phúc, nhưng muốn hạnh phúc lâu bền thì tiền tài chỉ là tạm thời.

Chỉ khi nào trong cõi lòng mình biết rằng mình đã có đủ những thứ cần có và không còn ham muốn thêm nữa thì lúc đó mình mới thật sự là: Không tiền nhưng mua tiên vẫn được!

 

Bài viết liên quan

Ba quy luật bất biến của vũ trụ

Đời sống tâm linh là một phần không thể thiếu bên cạnh đời sống vật lý của con người. Tâm linh là sợi dây liên kết kỳ diệu giữa đời sống tinh thần của con người với các thứ siêu hình trong thế giới này. Cùng với sức khỏe, tâm linh là yếu tố không thể thiếu của bánh xe cuộc đời, tâm linh sẽ hướng dẫn, soi đường chỉ lối trong mỗi giai đoạn phát triển của con người.

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến

Câu nói này có lẽ bạn đã được nghe ở đâu đó, nhưng bạn chưa biết được nguồn gốc của câu nói này và hàm ý của tác giả muốn nhắn gửi tới chúng ta. Trước tiên hãy cùng xem bài thơ dưới đây.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 1

Tứ động tâm gồm: Lâm Tỳ Ni thuộc Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) thuộc Ma Kiệt Đà (Magadha), Lộc Uyển nơi chuyển pháp luân xứ Ba La Nại (Benares), và Câu Thi Na (Kushinagar) thuộc cộng hòa Malla (bang Bihar ngày nay), nơi đức Phật nhập Vô Dư Niết Bàn. Bốn thánh tích trọng đại này được cô đọng trong bốn câu rất dễ nhớ: “Đản sanh Ca Tỳ La Thành đạo Ma Kiệt Đà Thuyết pháp Ba La Nại Niết Bàn Câu Thi Na”.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 2

Bồ Đề Đạo Tràng - Ấn Độ (Bodh Gaya hay Bodhgaya) ở quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Nơi đây được gọi là đất Phật, vì ở đây là nơi đức Phật Thích Ca đã giác ngộ hơn 2.500 năm trước, là điểm hành hương mà các phật tử khắp nơi trên thế giới luôn ao ước được đến chiêm bái một lần trong đời.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 3

Varanasi hay Baranasi được phiên âm là Ba-la-nại là kinh đô của nước Kasi cổ đại. Tiếp giáp với sông nhánh của sông Hằng là Varna và Asi, khoảng 12km phía dưới Allahabad về bờ bắc sông Hằng, Ba-la-nại là một trong sáu kinh đô có ảnh hưởng nhất thời Phật. Các kinh đô còn lại là Campa, Rajagaha (Vương Xá), Savatthi (Xá Vệ), Saketa và Kosambi (Kiều Tát La). Ba-la-nại (Sarnath) không chỉ là một trong những trung tâm Phật giáo nổi tiếng tại Ấn-độ, cách thành phố Varanasi khoảng 10 km thuộc bang Uttar Pradesh, mà còn là trung tâm hành hương của Ấn-độ giáo và các sinh hoạt tín ngưỡng gắn liền với sông Hằng huyền bí. Ba-la-nại là trung tâm thương mại và công nghệ quan trọng thời cổ, bằng đường bộ lẫn đường sông. Ba-la-nại nổi tiếng với các loại lụa sang trọng, vải vóc đặc biệt, tranh thêu và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Các trung tâm giáo dục của Ba-la-nại đã thu hút các hoàng tử và giới Bà-la-môn không thua kém gì trung tâm Takkasila nổi tiếng thời bấy giờ. Sau khi chứng đạo tại Bồ-đề Đạo tràng, đức Phật đến Vườn Nai tuyên thuyết bài pháp đầu tiên nhóm năm đạo sĩ khổ hạnh Kiều-trần-như, vận chuyển bánh xe chánh pháp mầu nhiệm (Maha-Dharmachakra pravartan). Giáo pháp này được gọi là con đường trung đạo, xa lánh hai cực đoan khổ hạnh ép xác và hưởng thụ khoái lạc.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 4

Nơi đức Phật nhập Niết Bàn và yên nghĩ, đó chính là thánh tích Kushinagar cũng chính vì thế nơi đây đã trở thành một trong bốn thánh tích linh thiên nhất của Phật giáo (Lumbini, Bodhgaya, Sarnath và Kushinagar). Khi hành hương, chiêm bái bốn thánh tích (Tứ động tâm) trên miền đất Phật linh thiên này, có lẽ Kushinagar là một trong thánh tích đã đọng lại trong lòng người hành hương là những ấn tượng sâu lắng và khó quên nhất. Nếu như Lumbini (Lâm-tỳ-ni), là nơi nhơn thiên và muôn vật hoan ca chào đón sự đản sanh của đấng Từ phụ, thì Kushinagar (Câu-thi-na) là nơi có rất nhiều tín đồ, người đến hành hương và muôn vạn vật đều rơi lệ u buồn, tiễn biệt đấng Thiên nhơn sư. Nếu Bodhgaya (Bồ-đề-đạo-tràng) là đạo tràng thiêng liêng, nơi bừng tỏa ánh sáng giác ngộ của đức Phật Thích Ca, thì Kushinagar là nơi ánh sáng đạo huy hoàng của Ngài đã tắt lịm. Nếu Sarnath (vườn Lộc Uyển) là thánh tích thiêng liêng, nơi khơi nguồn của dòng pháp giải thoát, thì Kushinagar là nơi khô cạn chấm dứt suối nguồn và là nơi giải thoát đang tuôn chảy từ kim khẩu của bậc Đạo sư. Bởi vậy, những tín đồ của Phật như chúng ta, mấy ai tránh khỏi cảm giác xúc động, u buồn khi chiêm bái, đảnh lễ thánh tích này.

Zalo
Hotline
0903 666 882