Ba quy luật bất biến của vũ trụ

Ba quy luật bất biến của vũ trụ

Thứ tư, 25/05/2022
C

Đời sống tâm linh là một phần không thể thiếu bên cạnh đời sống vật lý của con người. Tâm linh là sợi dây liên kết kỳ diệu giữa đời sống tinh thần của con người với các thứ siêu hình trong thế giới này. Cùng với sức khỏe, tâm linh là yếu tố không thể thiếu của bánh xe cuộc đời, tâm linh sẽ hướng dẫn, soi đường chỉ lối trong mỗi giai đoạn phát triển của con người.

Đời sống tâm linh ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống con người?

Đời sống tâm linh là quá trình giúp bạn hướng về bên trong, kết nối những nhận thức của bản thân với tận cùng những suy nghĩ. Từ đó vạch rõ đường đi cho bản thân hướng đến những điều tốt đẹp.

Nhắc tới tâm linh, mọi người cho rằng phải gắn bó hoặc theo một tín ngưỡng nào đó mới là người sống có tâm linh. Nhưng như vậy chưa đủ, bất cứ ai trên thế giới này, dù có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, từ tận sâu thẳm trong tâm hồn, họ đều có một niềm tin bất diệt với một đấng siêu hình nào đó để làm chỗ nương tựa cho tâm hồn mỗi khi gặp khó khăn, bế tắc.

Niềm tin chính là khởi đầu của người có đời sống tâm linh phát triển. Niềm tin giúp bạn vượt qua sóng gió cuộc đời giữa nhiều khổ đau và sợ hãi để hướng về những điều tốt đẹp.  

Để là một người có đời sống tâm linh phát triển theo chiều hướng tích cực, có một cuộc sống an nhiên, hạn chế phiền não bạn cần tư duy và tin tuyệt đối vào sự vận hành của ba quy luật bất biến sau:

1.Luật nhân quả:

Luật nhân quả chi phối mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ. Bạn gieo hạt cam thì không thể nào hy vọng một cây ổi sẽ mọc lên. Cũng tương tự khi khái niệm này được mở rộng ra, bạn làm điều thiện thì cuộc sống sẽ an lành, nhiều thuận lợi, may mắn, bạn gieo gió thì bạn gặt bão là chuyện đương nhiên, không thể khác đi được. Đó là quan hệ nhân - quả trong mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống này. Còn kết quả hay hậu quả, đến nhanh hay chậm sẽ còn phụ thuộc vào chữ duyên, đủ duyên sẽ trổ quả.

Vậy duyên là gì? Trở lại ví dụ cây cam ban đầu, bạn chăm bẵm, tưới nước, bón phân, cây cam ấy sẽ phát triển hàng ngày chứ không thể có quả cam ngay được, nhưng đến thời điểm nhất định cây sẽ cho ra quả. Thời điểm này người ta gọi là “đủ duyên”. Nên bạn cứ kiên trì gieo nhân lành, quả lành sớm hay muộn cũng sẽ trổ.

Câu nói “cho đi là còn mãi” cũng là một dạng biểu thị của luật nhân quả. Quy luật này được ông bà ta đúc kết từ rất lâu chứ không phải do cá nhân tôi nói, tôi chỉ là người đã sống và chiêm nghiệm rằng nó thật sự đúng.

Tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm và biến động của cuộc sống nên tôi khẳng định với bạn rằng nếu bạn tận tâm giúp người thì trong những lúc khó khăn sẽ được giúp lại và thông thường là nhiều hơn chứ không ít đi. Cuộc đời này luôn có sự công bằng, chỉ là đôi khi những chấp niệm, những sân si, nóng vội che mờ đôi mắt của bản thân, bạn không nhận thấy đó thôi. Vì vậy, khi làm bất cứ việc gì nên cân nhắc trước sau và thử hỏi đi hỏi lại các câu hỏi: việc này có hại đến ai không? Có ảnh hưởng đến quyền lợi của ai không? Quyết định này giúp được ai?…

Khi tập thói quen sống có trước có sau, có nhân có quả, không cần chờ đủ duyên quả tốt mới trổ, mà ngay trước mắt bạn đã được rất nhiều người yêu quý, kính trọng rồi.

2.Luật hấp dẫn:

“Nếu quyết tâm của bạn đủ lớn, cả vũ trụ sẽ cùng chung sức để biến ước mơ của bạn thành sự thật” trích Nhà Giả Kim.

Đây là một trích dẫn gần như đã bao quát hết khái niệm của luật hấp dẫn. Luật hấp dẫn là một triết lý dựa trên niềm tin rằng tâm niệm (tư tưởng, suy nghĩ) là một dạng năng lượng và cuộc sống con người chịu sự chi phối bởi trường năng lượng này.

Nếu năng lượng này tích cực sẽ hút những điều tích cực bao gồm cả sức khoẻ, tài chính, hạnh phúc gia đình… và ngược lại. Nếu năng lượng này xấu xí, không tốt đẹp cũng sẽ hút những điều tương tự. Và tôi tin điều này. Người luôn nói những điều hay, làm những việc tốt sẽ hút những người có năng lượng tương tự họ. Nếu không tin bạn cứ hãy quan sát nhiều cộng đồng lớn nhỏ xung quanh bạn và bạn sẽ thấy điều đó rất rõ.

Luật hấp dẫn và các giá trị của nó đã được chứng minh trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, nhiều nhà thơ, nghệ sĩ, nhà khoa học, và nhà tư tưởng vĩ đại được yêu thích như Shakespeare, Blake, Emerson, Newton, Beethovens đều truyền tải thông điệp này qua nhiều tác phẩm của họ. Ngày nay, cũng có rất nhiều tầng lớp người ủng hộ luật hấp dẫn hiện đại như Oprah Winfrey, Jim Carrey… Phần thách thức nhất của việc thừa nhận và chấp nhận sự thật của luật hấp dẫn đưa ra là nhận định rằng mọi quyết định trong cuộc sống của bạn, dù xấu hay tốt đều do chính bạn quyết định chứ không phải tại bất cứ ai.

3.Luật vô thường:

Luật nhân quả giúp bạn cân nhắc thật kỹ càng trước khi ra bất cứ quyết định nào trong cuộc sống. Luật hấp dẫn nhắc nhở bạn nên sống tích cực để luôn gặp được những người tích cực, điều may mắn.

Còn luật vô thường sẽ giúp bạn có một cuộc sống an nhiên, thanh thản, không quá chấp niệm với những thứ đã mất, những điều đã bỏ lỡ. Bởi nếu bạn tin rằng vạn vật trong vũ trụ đều phải theo một tiến trình: Thành - Tựu - Hoại - Diệt và sự sinh tồn của con người cũng theo tiến trình đó: Sinh - Lão - Bệnh - Tử thì bạn sẽ bớt tiếc nuối quá khứ, sống trọn vẹn từng phút giây bởi vì mọi thứ rồi cũng sẽ qua đi, chỉ còn cảm xúc trong từng khoảnh khắc là còn theo bạn mãi.

Bạn sẽ hiểu tường tận rằng sự chấm dứt của cái này lại chính là mở đầu cho một điều khác phù hợp hơn, tốt đẹp hơn theo quy luật tiến hóa . Từ đó, bạn bình tâm chấp nhận, tận hưởng cuộc sống và chuẩn bị cho một hành trình mới mẻ và nhiều trải nghiệm hơn.

Chúc cho bạn có một đời sống tâm linh phát triển để nội tâm luôn được an tĩnh, bất biến giữa cuộc đời vạn biến hiện nay.

Bài viết liên quan

Có tiền mua tiên cũng được?

Điều kỳ lạ là, ai cũng hiểu và biết rằng, tiền tài không phải lúc nào cũng mua được hạnh phúc nhưng vì tâm ý chúng ta đã bị nhồi nhét đặc cứng bởi cái văn hóa được quảng cáo khắp nơi rằng “có tiền mua tiên cũng được” nên chúng ta tin rằng đó là sự thật! Tuy nhiên, nghèo khổ quá cũng không phải là một điều tốt. Một đời sống quá thiếu thốn là một đời sống khổ đau. Ngày ngày phải đôn đáo đó đây để kiếm miếng cơm, manh áo mà chẳng được bao nhiêu thì thật là khổ nhọc. Đôi lúc, vì quá nghèo nhiều người bán luôn cả lương tâm đổi lấy đồng tiền dơ bẩn!

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến

Câu nói này có lẽ bạn đã được nghe ở đâu đó, nhưng bạn chưa biết được nguồn gốc của câu nói này và hàm ý của tác giả muốn nhắn gửi tới chúng ta. Trước tiên hãy cùng xem bài thơ dưới đây.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 1

Tứ động tâm gồm: Lâm Tỳ Ni thuộc Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) thuộc Ma Kiệt Đà (Magadha), Lộc Uyển nơi chuyển pháp luân xứ Ba La Nại (Benares), và Câu Thi Na (Kushinagar) thuộc cộng hòa Malla (bang Bihar ngày nay), nơi đức Phật nhập Vô Dư Niết Bàn. Bốn thánh tích trọng đại này được cô đọng trong bốn câu rất dễ nhớ: “Đản sanh Ca Tỳ La Thành đạo Ma Kiệt Đà Thuyết pháp Ba La Nại Niết Bàn Câu Thi Na”.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 2

Bồ Đề Đạo Tràng - Ấn Độ (Bodh Gaya hay Bodhgaya) ở quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Nơi đây được gọi là đất Phật, vì ở đây là nơi đức Phật Thích Ca đã giác ngộ hơn 2.500 năm trước, là điểm hành hương mà các phật tử khắp nơi trên thế giới luôn ao ước được đến chiêm bái một lần trong đời.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 3

Varanasi hay Baranasi được phiên âm là Ba-la-nại là kinh đô của nước Kasi cổ đại. Tiếp giáp với sông nhánh của sông Hằng là Varna và Asi, khoảng 12km phía dưới Allahabad về bờ bắc sông Hằng, Ba-la-nại là một trong sáu kinh đô có ảnh hưởng nhất thời Phật. Các kinh đô còn lại là Campa, Rajagaha (Vương Xá), Savatthi (Xá Vệ), Saketa và Kosambi (Kiều Tát La). Ba-la-nại (Sarnath) không chỉ là một trong những trung tâm Phật giáo nổi tiếng tại Ấn-độ, cách thành phố Varanasi khoảng 10 km thuộc bang Uttar Pradesh, mà còn là trung tâm hành hương của Ấn-độ giáo và các sinh hoạt tín ngưỡng gắn liền với sông Hằng huyền bí. Ba-la-nại là trung tâm thương mại và công nghệ quan trọng thời cổ, bằng đường bộ lẫn đường sông. Ba-la-nại nổi tiếng với các loại lụa sang trọng, vải vóc đặc biệt, tranh thêu và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Các trung tâm giáo dục của Ba-la-nại đã thu hút các hoàng tử và giới Bà-la-môn không thua kém gì trung tâm Takkasila nổi tiếng thời bấy giờ. Sau khi chứng đạo tại Bồ-đề Đạo tràng, đức Phật đến Vườn Nai tuyên thuyết bài pháp đầu tiên nhóm năm đạo sĩ khổ hạnh Kiều-trần-như, vận chuyển bánh xe chánh pháp mầu nhiệm (Maha-Dharmachakra pravartan). Giáo pháp này được gọi là con đường trung đạo, xa lánh hai cực đoan khổ hạnh ép xác và hưởng thụ khoái lạc.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 4

Nơi đức Phật nhập Niết Bàn và yên nghĩ, đó chính là thánh tích Kushinagar cũng chính vì thế nơi đây đã trở thành một trong bốn thánh tích linh thiên nhất của Phật giáo (Lumbini, Bodhgaya, Sarnath và Kushinagar). Khi hành hương, chiêm bái bốn thánh tích (Tứ động tâm) trên miền đất Phật linh thiên này, có lẽ Kushinagar là một trong thánh tích đã đọng lại trong lòng người hành hương là những ấn tượng sâu lắng và khó quên nhất. Nếu như Lumbini (Lâm-tỳ-ni), là nơi nhơn thiên và muôn vật hoan ca chào đón sự đản sanh của đấng Từ phụ, thì Kushinagar (Câu-thi-na) là nơi có rất nhiều tín đồ, người đến hành hương và muôn vạn vật đều rơi lệ u buồn, tiễn biệt đấng Thiên nhơn sư. Nếu Bodhgaya (Bồ-đề-đạo-tràng) là đạo tràng thiêng liêng, nơi bừng tỏa ánh sáng giác ngộ của đức Phật Thích Ca, thì Kushinagar là nơi ánh sáng đạo huy hoàng của Ngài đã tắt lịm. Nếu Sarnath (vườn Lộc Uyển) là thánh tích thiêng liêng, nơi khơi nguồn của dòng pháp giải thoát, thì Kushinagar là nơi khô cạn chấm dứt suối nguồn và là nơi giải thoát đang tuôn chảy từ kim khẩu của bậc Đạo sư. Bởi vậy, những tín đồ của Phật như chúng ta, mấy ai tránh khỏi cảm giác xúc động, u buồn khi chiêm bái, đảnh lễ thánh tích này.

Zalo
Hotline
0903 666 882