TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 2

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 2

Thứ tư, 08/03/2023

Con về đất Phật thiêng liêng,

Giữa ngàn tia nắng tháng Giêng ngập trời.

Gió Đông thổi rát mặt người,

Vững lòng con bước về nơi an bình!

Phật pháp soi sáng tâm linh,

Tiếng chuông ngân vọng, lời Kinh hiền hoà!

Lòng Phật quảng đại, bao la,

Cho ta Chánh Pháp, xóa nhòa khổ đau!

Chắp tay khấn nguyện trước Người

Mùa Xuân vạn vật đẹp tươi, vĩnh hằng,

Gia đình Hạnh phúc ấm êm,

Cõi lòng thanh thản, cửa Thiền soi tâm.

2. Bồ Đề Đạo Tràng

Đoàn chúng tôi dành hẳn năm ngày để đến hành thiền tại Bồ Đề Đạo Tràng. Từ trước 5h sáng hàng ngày, chúng tôi đã xếp hàng để vào và dành cả ngày để cảm nhận nguồn năng lượng to lớn tại đây. 

Tâm điểm ở Bodh Gaya là đền Mahabodhi (hay còn gọi là tháp Đại Giác). Đền cao 52m, bốn mặt được chạm  trổ rất tinh vi. Thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, vua Ashoka đã cho xây  một đền thờ Đức Phật tại đây. Đến thế kỷ thứ 7, các quốc vương triều đại  Pala ở xứ Bengal xây lại với quy mô lớn hơn. Vào thế kỷ 12, ngôi đền bị  phá hủy. Đến thế kỷ thứ 14, các quốc vương Myanmar (Miến Điện) khi kéo quân vào  đây đã khôi phục lại ngôi đền. Sau nhiều thế kỷ, đền Mahabodhi hứng chịu  nhiều trận lụt lớn và bị chôn vùi dưới lớp bùn đất. Mãi đến giữa thế kỷ 19, nhà khảo cổ học người Anh là Alexander Cunningham đứng ra chỉ đạo  khai quật và trùng tu lại đền Mahabodhi như hiện nay. Điều này cho chúng ta thấy rất rõ Đức Phật tổ cực kỳ linh thiêng nên không thể để mất ngôi đền Mahabodhi được.

Đền được xây dựng theo hình chóp đứng 9 tầng. Cấu trúc nổi bật là vòm tháp, trên nền tháp chính có các tháp nhỏ ở 4 góc. Hình Đức Phật, hình Bồ-tát, các thần linh đều được chạm khắc vào các hốc tường theo truyền thống Đại thừa.

Bên ngoài có khuôn viên rất rộng lớn để các nhà sư, các phật tử về đây lạy Đức Phật trong nhiều ngày, nhiều tháng từ sáng sớm đến tận khuya. Có một kiểu lạy toàn thân rất thành kính là: Mỗi người có một tấm ván rộng khoảng 1m, dài 2m. Trên ván khoảng giữa bụng và ngực có một chiếc khăn hoặc một vuông vải vòng qua tấm ván, hai bàn tay được lót hai cái khăn để khi trượt nằm úp sấp trên ván không bị ma sát làm đau rát hai bàn tay. Kiểu lạy này làm cả thân hình người lạy nằm sát ván nên rất trang nghiêm, vừa thể hiện sự trang trọng thành kính, vừa thể hiển nghị lực của người lạy Đức Phật.

Khi vào trong đền, các Nhà sư, các Phật tử và cả du khách phải đến viếng một tảng đá to hình tròn đặt phía bên trái sân, trên mặt đá có hai dấu chân to - theo truyền thuyết là của Đức Phật. Bước vào trong đền, tất cả mọi người phải xếp hàng, làm lễ trước pho tượng Phật Thích Ca được mạ vàng đặt nơi chính điện. Tượng Phật cao 2m, đặt trên một bệ đá cao 6m, với nét mặt Phật rất thanh thản, có một ngón tay chỉ xuống đất, mặt tượng hướng về phía Đông.

Phía sau đền Mahabodhi, có cây bồ đề linh thiêng nằm bên cạnh, cành lá rất xanh tươi được bao bọc bởi một vòng tường thấp bằng đá. Dưới bóng mát cây bồ đề là một phiến đá sa thạch đỏ, có tên là “Vajrasana” - đây được xem là ngai vàng kim cương vì đây là nơi Đức Phật đã từng ngồi thiền và đắc đạo. Theo truyền thuyết, cây bồ đề này mọc lên đúng vào ngày thái tử Sidharta ra đời, sau ngày Đức Phật nhập niết bàn, cây Bồ đề nguyên thủy mà Đức Phật ngồi bên để thành Đấng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vẫn còn sống cho đến thời của Vua Asoka và được nhà Vua xây rào bảo vệ. Bên cạnh đó, nhà Vua cũng đã nhân rộng cây quý này bằng cách chiết các nhánh của nó gửi đến những địa điểm khác trên cả nước. Vì rất sùng kính đức Phật, vua Asoka chăm sóc cây Bồ đề này rất cẩn thận, hàng ngày nhà Vua đến thăm cây Bồ đề xem như Đức Phật vẫn ở đây. Vì thế nhà Vua xem cây Bồ đề như một báu vật quốc gia. Do lòng ghen tỵ, quý phi của nhà vua là bà Tissarakkhā đã sai người lén chặt cây Bồ-đề và thiêu hủy nó. Thầy Thích Trung Định cũng nói cho đoàn chúng tôi biết: “Theo lời nguyền của Vua Asoka cây Bồ đề thứ 2 này mọc ra từ mầm nhú lên từ gốc của cây bị chặt”.

Nhưng Cây Bồ đề thứ hai đã bị phá vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên trong cuộc bức hại Phật giáo của vua Pushyamitra Shunga. Sau đó, cây bồ đề đã được trồng lại.

Nhưng rồi cây Bồ đề thứ ba này lại bị tàn phá vào khoảng năm 600, do vua Sasanka xứ Ganda (Bengal, trị vì 590 - 625) đã ra lệnh. Vì ông Vua Sasanka theo ngoại đạo nên không thích Phật giáo, nên Ông đã truyền lệnh chặt cây Bồ đề thiêng này đồng thời đem đốt toàn bộ gốc rễ. Khi nghe tin, vua Purnavarama (Phú Lâu Na Bạt Ma) của Maghada (Ma kiệt đà), người nối dõi cuối cùng của vua Asoka đã vật mình xuống đất vì đau buồn, ông than thở: "Mặt trời của trí tuệ đã lặn, không còn gì để lại ngoài cội Bồ đề, và ngay cả nó ngày nay cũng đã bị hủy diệt, nơi nào sẽ cung cấp cho nguồn sống tâm linh”. Năm 620, vua Purnavarma đã cho trồng lại cây Bồ đề. Ngoài ra, vua còn cho xây bức tường cao hơn 7m để tránh kẻ xấu tàn phá cây Bồ đề. Chính cây Bồ đề này đã được Trần Huyền Trang (Đường Tam Tạng) mô tả trong nhật ký khi ông đến thăm nơi đây.

Vào khoảng 600 năm sau, cây Bồ đề thứ tư lại bị phá do quân đội Hồi giáo của Muhammad Bakhtiyar Khalji đã xâm chiếm Ấn Độ, lực lượng này đã xua quân phá hủy toàn bộ các Thánh tích Phật giáo, trong đó có cả đền Mahabodhi và cây Bồ đề thiêng liêng. Mặc dù vậy, cây Bồ đề lại tiếp tục hồi sinh. Ngay nơi gốc cây đã bị tàn phá, một chồi non đã nhú lên và phát triển nhanh chóng, cành lá sum suê. Điều này lại càng khẳng định Đức Phật tổ của chúng ta cực kỳ linh thiêng, nên cây Bồ đề và ngôi đền Mahabodhi không thể tàn phá được.

Vào đầu thập niên 1870, cây Bồ đề thứ năm đã bị khô chết, đặc biệt trong trận bão năm 1876, cây Bồ đề đã bị đổ. Nhưng đến năm 1881, ngài Alexander Cunningham người Anh đã sử dụng hạt giống từ cây Bồ đề thứ năm đã trồng lại chính nơi cây gốc Bồ đề đã từng ở đó. Về sau ở nơi đó, chồi non lại tiếp tục nảy nở và phát triển, kế thừa từ mạch sống của cây Bồ đề tổ tiên. Cội Bồ đề này đã lớn lên và phát triển đến ngày nay.

Ngoài ra, một cành chiết từ cây bồ đề nguyên thủy đã được Vua Asoka gửi tặng cho Vua Devanampiya Tissa (Thiên Ái Đế Tu) tại Sri Lanka vào năm 247 trước Tây lịch. Con gái của nhà Vua Asoka là Tỳ kheo ni Sanghamitta (Tăng-già-mật-đa) đã sang Sri Lanka với mục đích thành lập ni đoàn Phật giáo đã mang nhánh Bồ đề này từ Sri Lanka, đem đến trồng ở Anuradhapura, tại đây nó đã phát triển thành một cây to. Sau này người dân Sri Lanka đã gọi cây Bồ đề này là "Sri - Maha Bodhi", nghĩa là "Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường". Cho tới nay, trải qua gần 2.300 năm, Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường vẫn sống tươi tốt và được người Sri Lanka coi là quốc bảo. Rất nhiều nhánh từ cây này đã được chiết để gửi đi trồng ở chùa chiền khắp nơi trên thế giới.

Như vậy, cùng chung với số phận thăng trầm của lịch sử Phật giáo ở Ấn Độ, cây Bồ đề cũng đã nhiều lần bị chặt đốt, thiêu hủy do thiên tai vô thường tác động và do những người muốn xóa tan vết tích của nó. Thế nhưng trải qua bao nguy khốn, dòng dõi hậu duệ của cây Bồ đề vẫn không bị tuyệt diệt, mà vẫn tiếp tục bám trụ và đâm chồi nảy lộc, đời sau nối tiếp đời trước che bóng mát cho nơi Đức Phật đã ngồi khi thành Đấng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Mặc dù trải qua nhiều lần sinh diệt, nhưng vị trí cây Bồ đề ngày hôm nay so với gốc cây ban đầu vẫn không có sự thay đổi chuyển dịch, vẫn định vị như gốc cây Bồ đề nguyên thủy, nơi khoảng 2.600 năm về trước, thái tử Tất Đạt Đa đã giác ngộ thành Phật. Với lịch sử hiển hách này, có thể nói cây Bồ đề là biểu tượng cao cả cho những tín đồ Phật giáo đã truyền đời nhau suốt 2.600 năm bảo tồn Chánh pháp mà Phật Thích Ca truyền dạy cho thế gian. Đã nhiều lần bị chặt phá do những kẻ vô thần, do thiên nhiên và được mọc lại. Cây bồ đề hiện nay được chiết ra từ cây bồ đề ở Sri Lanka - vốn đây là một nhánh của cây nguyên thủy được đưa sang trồng ở Sri Lanka từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Tuy chỉ là “hậu duệ” của cây Bồ đề đầu tiên, nhưng cây này cũng đã thành một đại thụ mấy trăm năm tuổi, gốc cây to khoảng 3 - 4 người ôm. Chung quanh cây bồ đề, các nhà sư, các Phật tử và cả du khách ngồi chắp tay nghiêm trang khấn niệm. Một cơn gió thoảng qua, vài chiếc lá bồ đề rơi xuống, nhiều khách hành hương kính cẩn nhặt lên với niềm tin đó là phước lành mà Đức Phật đã ban cho.

Thành phố Bodh Gaya ngày nay thường được ví là một “Liên Hợp Quốc Phật tự” vì tập trung rất nhiều chùa của các quốc gia và lãnh thổ như Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Sri Lanka, Tây Tạng, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam... Một trong những ngôi chùa nổi bật nhất là chùa Nhật Bản. Các vị sư người Nhật đã xây dựng ngôi chùa cùng với tượng đức Phật Thích Ca ngồi, có chiều cao khoảng 20m, xung quanh là tượng mười vị đại đệ tử của Đức Phật, có kích thước như người thật, mỗi vị mang một dáng vẻ và khuôn mặt khác nhau.

Gần đó là ngôi chùa do người Thái Lan xây dựng với mái cong vút, nhiều hoa văn chạm trổ rất công phu và được mạ vàng sáng chói trong ánh nắng.

Chùa Trung Quốc có ba tượng Phật ngồi kích cỡ lớn cùng với hình ảnh Vạn Phật khắc trên khắp bốn bức tường.

Phật giáo Tây Tạng có nhiều trường phái khác nhau và ngôi chùa tại Bodh Gaya thuộc phái Kagyupa. Theo lời kể của người địa phương đây là công trình cúng dường của một ông vua dầu hỏa Trung Đông. Ông đã bỏ ra gần 2 triệu USD xây dựng để tạ ơn vị sư Tây Tạng đã chữa bệnh nan y cho mình.

Các chùa khác như của Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Sri Lanka... mỗi ngôi đều mang một vẻ độc đáo riêng với lối kiến trúc đặc thù theo truyền thống Phật giáo của từng nước.

Việt Nam cũng có 4 chùa tại đây. Đó là Việt Nam Phật Quốc tự của thầy Huyền Diệu, chùa Độ Sanh của một nhà tu hành người Mỹ gốc Việt, chùa Viên Giác của một nhà tu hành người Đức gốc Việt và tịnh xá Kỳ Hoàn của thầy Thích Giác Viên đến từ Vũng Tàu.

Ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự do thầy Huyền Diệu, được khá nhiều Phật tử trong và ngoài nước biết đến với biệt danh khiêm xưng “Người làm vườn kiêm quét chùa”, xây dựng và trụ trì. Đoàn chúng tôi đã đươc sư Phước Hưng đưa tới và gặp gỡ một số thầy đang tu tập ở đây.

Cách Bodh Gaya khoảng 200m về hướng Đông là một con sông cạn chạy dài dọc theo hướng Đông Bắc - Tây Nam được người dân địa phương gọi là sông Lilajan, tức là sông Ni Liên Thiền (Niranjara). Chính phủ Ấn Độ đã bắc một cây cầu ngang sông này, các Nhà sư, Phật tử và du khách rất dễ dàng qua lại các khu Phật tích quanh vùng Bodh Gaya. Từ trên cầu có thể nhìn thấy được một số Phật tích như: chót đền Mahabodhi, núi Tượng đầu - nơi Đức Phật từng tu khổ hạnh trong 6 năm... và sinh hoạt của toàn thể cư dân quanh vùng.

Chúng tôi cũng đã đi thăm một số nơi khác như núi Linh Thứu, nơi Đức Phật đã từng thuyết pháp cho hàng ngàn đệ tử và cũng là cốc liêu của các Vị Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, Ca Diếp...

Bài viết liên quan

Ba quy luật bất biến của vũ trụ

Đời sống tâm linh là một phần không thể thiếu bên cạnh đời sống vật lý của con người. Tâm linh là sợi dây liên kết kỳ diệu giữa đời sống tinh thần của con người với các thứ siêu hình trong thế giới này. Cùng với sức khỏe, tâm linh là yếu tố không thể thiếu của bánh xe cuộc đời, tâm linh sẽ hướng dẫn, soi đường chỉ lối trong mỗi giai đoạn phát triển của con người.

Có tiền mua tiên cũng được?

Điều kỳ lạ là, ai cũng hiểu và biết rằng, tiền tài không phải lúc nào cũng mua được hạnh phúc nhưng vì tâm ý chúng ta đã bị nhồi nhét đặc cứng bởi cái văn hóa được quảng cáo khắp nơi rằng “có tiền mua tiên cũng được” nên chúng ta tin rằng đó là sự thật! Tuy nhiên, nghèo khổ quá cũng không phải là một điều tốt. Một đời sống quá thiếu thốn là một đời sống khổ đau. Ngày ngày phải đôn đáo đó đây để kiếm miếng cơm, manh áo mà chẳng được bao nhiêu thì thật là khổ nhọc. Đôi lúc, vì quá nghèo nhiều người bán luôn cả lương tâm đổi lấy đồng tiền dơ bẩn!

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến

Câu nói này có lẽ bạn đã được nghe ở đâu đó, nhưng bạn chưa biết được nguồn gốc của câu nói này và hàm ý của tác giả muốn nhắn gửi tới chúng ta. Trước tiên hãy cùng xem bài thơ dưới đây.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 1

Tứ động tâm gồm: Lâm Tỳ Ni thuộc Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) thuộc Ma Kiệt Đà (Magadha), Lộc Uyển nơi chuyển pháp luân xứ Ba La Nại (Benares), và Câu Thi Na (Kushinagar) thuộc cộng hòa Malla (bang Bihar ngày nay), nơi đức Phật nhập Vô Dư Niết Bàn. Bốn thánh tích trọng đại này được cô đọng trong bốn câu rất dễ nhớ: “Đản sanh Ca Tỳ La Thành đạo Ma Kiệt Đà Thuyết pháp Ba La Nại Niết Bàn Câu Thi Na”.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 3

Varanasi hay Baranasi được phiên âm là Ba-la-nại là kinh đô của nước Kasi cổ đại. Tiếp giáp với sông nhánh của sông Hằng là Varna và Asi, khoảng 12km phía dưới Allahabad về bờ bắc sông Hằng, Ba-la-nại là một trong sáu kinh đô có ảnh hưởng nhất thời Phật. Các kinh đô còn lại là Campa, Rajagaha (Vương Xá), Savatthi (Xá Vệ), Saketa và Kosambi (Kiều Tát La). Ba-la-nại (Sarnath) không chỉ là một trong những trung tâm Phật giáo nổi tiếng tại Ấn-độ, cách thành phố Varanasi khoảng 10 km thuộc bang Uttar Pradesh, mà còn là trung tâm hành hương của Ấn-độ giáo và các sinh hoạt tín ngưỡng gắn liền với sông Hằng huyền bí. Ba-la-nại là trung tâm thương mại và công nghệ quan trọng thời cổ, bằng đường bộ lẫn đường sông. Ba-la-nại nổi tiếng với các loại lụa sang trọng, vải vóc đặc biệt, tranh thêu và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Các trung tâm giáo dục của Ba-la-nại đã thu hút các hoàng tử và giới Bà-la-môn không thua kém gì trung tâm Takkasila nổi tiếng thời bấy giờ. Sau khi chứng đạo tại Bồ-đề Đạo tràng, đức Phật đến Vườn Nai tuyên thuyết bài pháp đầu tiên nhóm năm đạo sĩ khổ hạnh Kiều-trần-như, vận chuyển bánh xe chánh pháp mầu nhiệm (Maha-Dharmachakra pravartan). Giáo pháp này được gọi là con đường trung đạo, xa lánh hai cực đoan khổ hạnh ép xác và hưởng thụ khoái lạc.

TỨ ĐỘNG TÂM - NHỮNG THÁNH ĐỊA PHẬT GIÁO - BÀI 4

Nơi đức Phật nhập Niết Bàn và yên nghĩ, đó chính là thánh tích Kushinagar cũng chính vì thế nơi đây đã trở thành một trong bốn thánh tích linh thiên nhất của Phật giáo (Lumbini, Bodhgaya, Sarnath và Kushinagar). Khi hành hương, chiêm bái bốn thánh tích (Tứ động tâm) trên miền đất Phật linh thiên này, có lẽ Kushinagar là một trong thánh tích đã đọng lại trong lòng người hành hương là những ấn tượng sâu lắng và khó quên nhất. Nếu như Lumbini (Lâm-tỳ-ni), là nơi nhơn thiên và muôn vật hoan ca chào đón sự đản sanh của đấng Từ phụ, thì Kushinagar (Câu-thi-na) là nơi có rất nhiều tín đồ, người đến hành hương và muôn vạn vật đều rơi lệ u buồn, tiễn biệt đấng Thiên nhơn sư. Nếu Bodhgaya (Bồ-đề-đạo-tràng) là đạo tràng thiêng liêng, nơi bừng tỏa ánh sáng giác ngộ của đức Phật Thích Ca, thì Kushinagar là nơi ánh sáng đạo huy hoàng của Ngài đã tắt lịm. Nếu Sarnath (vườn Lộc Uyển) là thánh tích thiêng liêng, nơi khơi nguồn của dòng pháp giải thoát, thì Kushinagar là nơi khô cạn chấm dứt suối nguồn và là nơi giải thoát đang tuôn chảy từ kim khẩu của bậc Đạo sư. Bởi vậy, những tín đồ của Phật như chúng ta, mấy ai tránh khỏi cảm giác xúc động, u buồn khi chiêm bái, đảnh lễ thánh tích này.

Zalo
Hotline
0903 666 882