Nâng cao kiến thức là một trong những cách thức để giúp cá nhân phát triển, gia đình hạnh phúc. Nếu chúng ta ngừng cập nhật kiến thức thì sẽ trở nên lạc hậu, cô đơn trong một xã hội không ngừng tiến bộ. Là một doanh nhân, tôi lại càng tin rằng, chỉ có thể khi bạn trở thành chuyên gia trong chính lĩnh vực của mình bất kể ở thời đại nào, thì bạn mới có thể duy trì sự thành công. Điều này chỉ có được khi bạn học tập liên tục, nắm bắt xu hướng và không ngừng đổi mới.
Để nâng cao kiến thức thì khó khăn lớn nhất là gì
Khi có tri thức, kiến thức và sự hiểu biết sâu rộng về mọi vấn đề hay các lĩnh vực xã hội, chúng ta mới có thể dễ dàng kết nối, thực hiện được mục tiêu, nguyện vọng của bản thân. Kiến thức phải có được bằng mồ hôi công sức của sự học tập, rèn luyện mới đem lại hiệu quả tốt. Chính vì vậy, để nâng cao kiến thức không phải là chuyện dễ dàng.
Bạn phải từ bỏ “cái tôi xuất sắc, giỏi giang” để học lại những kiến thức “cũ” đã biết với một góc nhìn “mới, lạ” hơn từ những cá nhân có thể trẻ hơn mình cả về tuổi tác lẫn kinh nghiệm. Đây là một quá trình tự thân, vượt qua cảm giác “tôi biết rồi” mà không phải ai cũng làm được, nhất là những người đã thành đạt.
Thế giới rất rộng lớn, kiến thức thì không giới hạn nhưng con người thì hữu hạn. Vậy nên, nếu bạn hỏi tôi học có khó khăn không? Tôi sẽ trả lời là “có”, bởi không có cái gì tự nhiên “có” mà không bỏ công bỏ sức. Và kiến thức là một trong số đó.
Nâng cao kiến thức bằng cách nào
Giữ cho tâm hồn luôn rộng mở
Việc nâng cao kiến thức thường thách thức những giả định hoặc phản ứng bẩm sinh để gạt bỏ những ý kiến trái ngược với chính chúng ta. Cho nên, việc đầu tiên, bạn cần làm để mở rộng tri thức là đừng tự động loại bỏ kiến thức chỉ vì nó không hài hòa với quan điểm hiện tại của bạn về nhận thức.
Khi bạn mở rộng kiến thức của mình, ngay cả ở những thứ cơ bản nhất, bạn vẫn sẽ phải suy nghĩ lại về ý tưởng của mình và cách bạn làm mọi việc để có kết quả tốt nhất ngay trong thời điểm hiện tại.
Bước ra khỏi vùng an toàn của mình
Tìm hiểu và học hỏi về các lĩnh vực không phải là yêu thích của bạn, là khi bạn có thể tìm thấy những sở thích và thú vui mới mà bạn chưa từng nghĩ tới. Điều này cũng có nghĩa là bạn cần phải vượt ra ngoài giới hạn của mình, thay đổi góc nhìn và sẵn sàng chịu rủi ro. Đó là một cách tuyệt vời để bắt đầu nâng cao kiến thức.
Khi đã quen với nhiều trải nghiệm mới liên tục, bạn sẽ thấy rõ được rất nhiều cơ hội học tập trong nhiều tình huống khác nhau như trong các lớp học mới, cộng đồng mới, vị trí công việc mới, lĩnh vực kinh doanh mới, những người bạn mới hoặc ngay cả chính những đứa trẻ trong nhà bạn.
Đừng bao giờ sợ cảm giác thất bại trước khi chỉ mới bắt đầu
Trên tất cả, đây là lời khuyên quan trọng nhất mà tôi dành cho bạn và cho chính mình. Có một điều chắc chắn rằng, chúng ta không thể biết tất cả mọi thứ và tất nhiên lại càng không biết được kết quả, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thay đổi.
Ngay khi bắt đầu trải nghiệm, hãy học một kiến thức mới với thái độ sẵn sàng chấp nhận những sai lầm. Nếu thực sự điều đó xảy ra, hãy tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp. Từ đó, bạn sẽ có sự chuẩn bị và thể hiện rằng bạn đang tiếp thu kiến thức một cách nghiêm túc. Đôi khi bạn sẽ làm sai, đặc biệt là khi bạn mới bắt đầu. Bạn nên chấp nhận thất bại, rút kinh nghiệm và tiếp tục làm việc chăm chỉ.
Đối chiếu hoặc học tập thêm kiến thức từ thực tế
Đối với tôi, việc học hỏi và tiếp thu nhiều kiến thức là điều rất may mắn và tôi luôn trân quý điều đó. Từng làm việc trong các môi trường khác nhau như công ty Nhà nước (Vietnam Airlines), các công ty đa quốc gia, công ty tư nhân, tôi đã tiếp xúc được với nhiều đặc trưng văn hoá và nhiều phong cách làm việc khác nhau, tôi nhận thấy rằng người giỏi và người chưa giỏi chỉ khác nhau là về học tập và áp dụng kiến thức từ thực tế.
Đối với những việc khó, người giỏi dựa vào kiến thức cũ và nhiều năm kinh nghiệm, có thể họ chỉ cần làm một lần là xong, nhưng những người chưa phải là giỏi thì cần phải có cơ hội sửa sai nhiều lần kèm theo sự kiên trì thì mới có thể làm xong. Vậy, vấn đề ở đây, không phải chỉ có cập nhật kiến thức mới hàng ngày là bạn đã giỏi hơn người mà cần phải trải nghiệm thực tế. Kiến thức mà không ứng dụng được thì cũng lãng phí, vô giá trị.
Cũng giống như khi tôi chuyển từ công việc làm truyền thông qua kinh doanh Đông trùng hạ thảo, tôi bắt buộc phải học những kiến thức mới. Tôi không chỉ nghiên cứu để học những kiến thức mới trên sách vở về công dụng của Đông trùng hạ thảo, cách để nuôi trồng thành công,... mà còn phải đầu tư thời gian, công sức để học từ chính những chuyên gia trong lĩnh vực, đồng nghiệp trong công ty, khách hàng, đối thủ về kiến thức thực tế, những thông tin mà sách vở không dạy được. Thành quả mà tôi có được là bởi sự nghiêm túc học tập trong công việc và nỗ lực kiên trì để đạt được mục tiêu lớn trong cuộc đời là chia sẻ các giá trị sức khỏe cho cộng đồng.
Nâng cao kiến thức là thu nạp và phát triển các yếu tố sự nghiệp, đời sống cá nhân của bạn và cống hiến cho xã hội. Để làm được việc này, bạn nên nghiêm túc với ước mơ của mình, kiểm tra những cách thức bạn đang học tập đã thực sự mở rộng tâm hồn và bước ra khỏi vùng an toàn chưa. Nếu chưa hãy thay đổi chính mình trước, những cơ hội mới sẽ đến với bạn sớm thôi.