A. Khái niệm
Là khả năng truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả và hấp dẫn đến một nhóm người nghe. Người thuyết trình cần hướng tới mục tiêu giúp người nghe hiểu được những gì mình đang nói, giải quyết một vấn đề nào đó của họ, hay chỉ đơn giản là chia sẻ một thông tin mới mẻ.
Để thuyết trình hiệu quả, người thuyết trình cần thực hiện các bước chuẩn bị quan trọng. Kỹ năng thuyết trình thành thạo hay không cũng có thể được nhìn nhận qua khâu chuẩn bị này. Và nó bao gồm những yếu tố như cấu trúc bài thuyết trình, slides, giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể, v.v..
B. Các yếu tố làm nên một buổi thuyết trình hiệu quả
Không phải ai sinh ra cũng có sẵn kỹ năng thuyết trình trong mình. Nhưng có rất nhiều cách để rèn luyện nó. Bạn không cần phải là một người hoạt ngôn, giỏi giao tiếp hay năng động để có thể thuyết trình hiệu quả. Hãy làm theo các bí quyết sau đây để xoá tan nỗi sợ mang tên “thuyết trình”:
1. Rèn luyện sự tự tin
Sự tự tin giúp đạt được những gì bạn mong muốn. Những người thành công luôn nói rằng tin vào chính bản thân mình là chìa khoá của họ. Tuy nhiên, xây dựng niềm tin vào bản thân mình là một thử thách lớn và đôi khi cần cả một quá trình rèn luyện.
“Tự tin là một loại siêu năng lực. Một khi bạn tin vào chính bản thân mình, điều kỳ diệu sẽ xảy ra.”
Để rèn luyện sự tự tin, trước hết hãy thay đổi suy nghĩa của bạn. Đừng nghĩ rằng kỹ năng thuyết trình kém sẽ khiến bạn không thể làm nên một buổi thuyết trình hiệu quả. Khi bạn dám đứng lên và nêu ra quan điểm của mình chính là lúc bạn đang sử dụng kỹ năng đó hiệu quả.
Không có ai phán xét bạn ngoài chính bản thân bạn. Vì vậy hãy tin rằng mình làm được và tự tin với những gì mình đã chuẩn bị. Việc bạn cần làm là nở một nụ cười thật tươi và cho khán giả lắng nghe những điều bạn muốn nói.
2. Hiểu về thính giả là bước quan trọng để rèn luyện kỹ năng thuyết trình
“Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Nếu đám đông ngồi phía dưới là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với bạn, hãy khiến họ trở thành những người thân thuộc để giảm bớt cảm giác xa cách, choáng ngợp.
Điều này không có nghĩa là bạn phải tìm gặp và làm quen với từng người một. Ý chính ở đây là hãy tìm hiểu về họ trước buổi thuyết trình để thấu hiểu họ. Bạn cần biết ai sẽ là người nghe mình nói đúng không nào? Vậy thì hãy tìm hiểu xem họ là ai, họ muốn nghe điều gì, và vấn để mà họ đang cần được giải quyết (nếu có).
Dù đến ngày thuyết trình bạn mới có thể gặp người nghe của mình, nhưng tìm hiểu trước về họ sẽ giúp bạn cảm thấy thân thuộc và dễ dàng tương tác với họ hơn.
3. Chuẩn bị tài liệu và nội dung bài thuyết trình thật kỹ lưỡng
Kỹ năng thuyết trình không là một khái niệm gì đó quá xa xôi, mà được thể hiện ngay trong những hành động nhỏ. Nó bao gồm sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng đến từ người thuyết trình.
Từ nội dung cho đến các phương tiện cần thiết trong buổi thuyết trình của bạn, hãy chuẩn bị và kiểm tra để chắc chắn mọi thứ đều sẵn sàng. Bạn chỉ tự tin khi bạn biết rõ mình phải nói những gì và trình tự ra sao.
Hãy tự hỏi bản thân xem bạn muốn đạt được điều gì sau buổi thuyết trình và nó sẽ mang lại lợi ích gì cho người nghe. Sau đó nghiên cứu các tài liệu liên quan và chuẩn bị thêm các yếu tố từ hình ảnh cho đến âm thanh nếu cần thiết.
4. Cố gắng nói thật tự nhiên, đừng đọc từ kịch bản
Một trong những lỗi hay gặp nhất khi thuyết trình chính là nhìn vào giấy và đọc toàn bộ nội dung. Thông thường chúng ta hay soạn sẵn nội dung của bài thuyết trình và học thuộc nó trong lúc luyện tập. Cách này tưởng chừng như hiệu quả nhưng lại rất dễ khiến ta rơi vào tình trạng học vẹt và bị động nếu bỏ sót mất một ý nào đó.
Sử dụng outline để thuyết trình một cách tự nhiên. Soạn nội dung trước là cần thiết nhưng hãy ghi chú những ý chính ra một tờ giấy và tập nói theo những ý đó. Một khi đã thực sự hiểu những gì mình cần nói và trình tự của chúng trong bài thuyết trình, bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ hơn.
Thay vì cầm cả một kịch bản hoàn chỉnh, hãy chỉ mang theo tấm giấy ghi chú. Việc nói chính xác từng từ một như trong kịch bản là không cần thiết, hãy nói như bạn đang chia sẻ một điều gì đó rất thú vị.
5. Luyện tập trước buổi thuyết trình
Như đã đề cập ở trên, không phải ai sinh ra cũng là một người có tài ăn nói. Bạn hoàn toàn có thể trau dồi kỹ năng thuyết trình bằng cách luyện tập nó thường xuyên.
Bạn có biết rằng một chương trình truyền hình có thể phát sóng trực tiếp suốt hai giờ đồng hồ mà không xảy ra bất cứ sai sót nào từ MC là do họ đã luyện tập trước đó rất nhiều.
Nếu muốn buổi thuyết trình của mình diễn ra trơn tru như vậy, hãy luyện nói thật nhiều. Điều này không chỉ giúp bạn nhớ những gì cần nói mà còn giúp bạn phát hiện được lỗi sai của mình.
6. Một chút hài hước, một câu chuyện thú vị sẽ giúp bài thuyết trình thêm phần hấp dẫn
Nói đúng những gì cần nói cộng thêm với sự hài hước một cách thông minh sẽ là điểm cộng lớn cho bài thuyết trình của bạn đấy.
Hãy mang câu chuyện và khiếu hài hước của bạn vào thuyết trình. Nếu có thể hãy lồng ghép thêm một câu chuyện có liên quan đến nội dung bạn nói để tăng thêm phần sinh động. Theo các chuyên gia, con người thường bị hấp dẫn và dễ cảm thông hơn bởi những câu chuyện.
Và nếu bạn khơi dậy được sự tò mò của người nghe qua câu chuyện của mình, họ sẽ muốn lắng nghe bạn nói tiếp.
7. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể hay phi ngôn ngữ sẽ giúp bài thuyết trình của bạn tự nhiên, hấp dẫn, và có “hồn” hơn.
Cử chỉ bàn tay linh hoạt, ánh mắt hay một cái gật đầu khi nói sẽ giúp bạn tự tin hơn và kiểm soát được trạng thái của cơ thể khi thuyết trình. Ánh mắt tương tác với người nghe giúp bạn dễ dàng tạo sự kết nối với họ.
Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng cử chỉ hay ngôn ngữ cơ thể vì nó có thể làm sao nhãng lời nói của bạn hoặc tệ hơn nữa là gây khó chịu cho người nghe.
8. Mở đầu và kết thúc thật ấn tượng
Bạn có thấy hào hứng khi ai đó bắt đầu bài thuyết trình của họ với câu nói quen thuộc: “Hôm nay tôi sẽ nói về chủ đề…”?
Đừng làm vậy nếu bạn muốn bài thuyết trình của mình “đầu xuôi đuôi lọt”. Hãy mở đầu và kết thúc bài thuyết trình thật ấn tượng
Hãy lôi kéo sự chú ý của khán giả ngay từ những giây đầu tiên bằng một màn mở đầu thật thú vị. Bạn hoàn toàn có thể kể một câu chuyện, sử dụng âm thanh, hình ảnh, hoặc video để tạo hứng thú cho người nghe. Một con số ngoạn mục hay một câu trích dẫn nổi tiếng liên quan cũng là ý tưởng hay.
Tương tự với lời mở đầu, hãy kết thúc bài thuyết trình một cách chuyên nghiệp và tạo dấu ấn. Tóm tắt và nhấn mạnh thông tin quan trọng giúp người nghe tổng hợp và nhớ lâu hơn.
9. Lắng nghe góp ý và cải thiện
Đừng chỉ tập trung vào những gì mình nói mà hãy để ý đến thái độ và phản ứng của khán giả. Chú ý đến cảm xúc của họ, quan sát xem liệu họ có đang bối rối trước những gì mình nói hay có vẻ đang thắc mắc điều gì không. Nếu có hãy làm rõ ngay và điều chỉnh bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng như giọng nói hay ngôn từ.
Đặc biệt, sau khi thuyết trình xong, nếu có thể hãy thu thập góp ý từ người nghe. Tìm hiểu xem họ cảm thấy như thế nào về bài nói của bạn, lắng nghe và cải thiện những điểm hạn chế.
Đây là bước quan trọng để kỹ năng thuyết trình của bạn ngày một tiến bộ hơn.
10. Luyện tập thật nhiều để cải thiện kỹ năng thuyết trình
Đây dường như là bước kinh điển trong mọi bài viết về bí quyết hay cách học một thứ gì đó. Đơn giản là vì “Practice makes perfect.”
Tuy nhiên, không ai là hoàn hảo cả, và bạn cũng vậy. Bạn không cần phải hoàn hảo trong mọi khía cạnh của bài thuyết trình. Và cũng đừng lo sợ nếu mắc phải bất cứ lỗi sai nào. Quan trọng là bạn nhận ra các lỗi sai và tìm cách sửa chúng.
Một phương pháp luyện tập kỹ năng thuyết trình hữu hiệu là xem các bài thuyết trình mẫu và bắt chước. Bạn không nhất thiết phải “copy” như một cái máy toàn bộ cử chỉ, phong thái, hay giọng điệu của ai đó. Hãy học hỏi cái hay từ họ và kết hợp với nét riêng của bạn để tạo nên một phong cách thuyết trình của riêng mình.
Chúc bạn thành công và sớm trở thành một diễn giả xuất chúng!